Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine bất đồng, muốn sở hữu phi đội MQ-1C do Mỹ chế tạo, nhưng phi công tiền tuyến cho rằng chúng không có nhiều tác dụng.
“Chúng tôi không ủng hộ kế hoạch sở hữu máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Gray Eagle. Lưới phòng không đối phương khiến việc sử dụng những UAV đắt tiền như vậy là rất nguy hiểm. Đây không phải Afghanistan”, phi công quân sự Ukraine có biệt danh Moonfish chia sẻ với Foreign Policy hồi đầu tuần.
Phát biểu của phi công tiền tuyến này cho thấy những chia rẽ trong nội bộ quân đội Ukraine, giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang trì hoãn kế hoạch chuyển giao 4 chiếc MQ-1C cho Kiev.
Các loại UAV vũ trang của Ukraine từng gây nhiều thiệt hại cho lực lượng Nga trong giai đoạn đầu xung đột, nhưng ngày càng kém hiệu quả trong bối cảnh chiến sự tập trung ở khu vực miền đông Donbass, nơi giáp với Quân khu miền Tây của Nga và nằm trong tầm kiểm soát của những hệ thống phòng không tầm xa hiện đại như S-300, S-400.
“Bộ tổng tham mưu đang cổ vũ kế hoạch mua những chiếc Gray Eagle. Họ thiếu vắng những sĩ quan không quân đủ tỉnh táo để chỉ trích ý định này”, Moonfish nói thêm.
MQ-1C Gray Eagle là biến thể hiện đại hóa của dòng MQ-1 Predator, được phát triển cho lục quân Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều hành của chỉ huy chiến trường. Mỗi chiếc có khối lượng cất cánh lớn gấp ba lần dòng Bayraktar TB2, mang được nhiều vũ khí và có tầm bay, thời gian hoạt động lâu hơn nhiều.
Sự xuất hiện của những chiếc Gray Eagle được coi là bước nhảy vọt công nghệ với quân đội Ukraine. Chúng có thể hoạt động hơn 30 giờ liên tiếp và thu thập lượng lớn dữ liệu tình báo, đồng thời mang được 8 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire với nhiều loại đầu đạn khác nhau, thay vì chỉ giới hạn với tên lửa cỡ nhỏ MAM-L như dòng TB2.
Dù vậy, giới chức Ukraine và Mỹ ngày càng lo ngại nguy cơ UAV MQ-1C bị phòng không Nga bắn hạ nếu tham chiến ở vùng Donbass.
Tên lửa Hellfire có thể đánh trúng mục tiêu ở cách 8 km, thua kém tầm bay của UAV tự sát Switchblade đã được Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Điều này buộc những chiếc Gray Eagle tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách gần hơn, trong khi chúng dễ bị phát hiện do kích thước lớn hơn nhiều so với những mẫu UAV mà Kiev đang sở hữu.
Samuel Bendett, cố vấn tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) có trụ sở tại Mỹ, nhận định Nga đã củng cố đáng kể lưới phòng không ở biên giới và những khu vực tại miền đông Ukraine.
“Các hệ thống phòng không Nga đang hoạt động trên quy mô khổng lồ. Lưới radar cảnh báo sớm và tên lửa phòng không của họ đang phát huy tác dụng. UAV Gray Eagle bị bắn hạ là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi đối mặt với lưới phòng thủ đa tầng như vậy”, ông nói.
Các phi công Ukraine cho rằng những chiếc MQ-1C vẫn hữu ích cho các nhiệm vụ ở tiền tuyến, nhưng nghi ngờ khả năng sống sót của chúng trên chiến trường. “Gray Eagle có thể mở rộng năng lực tiến công của chúng tôi, nhưng chúng khó lòng tồn tại quá hai lần xuất kích và không xứng đáng với số tiền 10 triệu USD/chiếc”, phi công có biệt danh Juice nhận xét.
Một quan chức quân đội Ukraine giấu tên nói rằng các chỉ huy ở thực địa đánh giá Gray Eagle có tác dụng tương đồng với UAV tự sát như Switchblade khi tấn công các đoàn xe thiết giáp và vị trí kiên cố của Nga.
Không quân Ukraine gần đây phải cắt giảm số chuyến bay của dòng Bayraktar TB2, vốn thể hiện uy lực qua những cuộc giao tranh ở ngoại ô thủ đô Kiev trong giai đoạn đầu xung đột.
“Chúng rất hữu ích và quan trọng trong những ngày đầu, khi chặn đứng các đoàn xe cơ giới Nga, nhưng giờ đây gần như vô dụng trước lưới phòng không mạnh của đối phương. Những chiếc TB2 giờ chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công và chiến dịch đặc biệt”, Moonfish nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với những loại máy bay khác, khi không quân Ukraine chỉ còn thực hiện 20-30 chuyến xuất kích mỗi ngày.
“Phi công đang đông gấp nhiều lần máy bay”, Moonfish nói, đồng thời bày tỏ mong muốn cấp trên rút bớt lực lượng tham chiến để đưa tới Mỹ học chuyển loại tiêm kích như F-15 và F-16. “Khoảng 70% nhiệm vụ của không quân Ukraine hiện nay là yểm trợ mặt đất, vai trò rất phù hợp với hai loại chiến đấu cơ trên. Tiêm kích hiện đại của Mỹ cũng có thể giúp chế áp phòng không Nga”.
Tuy nhiên, rất ít quan chức Mỹ tin tưởng vào triển vọng của thương vụ Gray Eagle với Ukraine. Hai nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề hôm 18/6 tiết lộ Cơ quan An ninh Công nghệ Quốc phòng (DTSA) thuộc Lầu Năm Góc đã đề xuất đình chỉ kế hoạch bán 4 chiếc MQ-1C cho Ukraine, do lo ngại radar và thiết bị trinh sát tiên tiến của chúng rơi vào tay lực lượng Nga và gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ nếu chúng rơi vào tay lực lượng Nga.
“Nga đã thu thập dữ liệu tình báo về những dòng UAV tầm xa của Mỹ suốt nhiều năm trước khi xung đột bùng phát”, Bendett cảnh báo.