Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Huy Oánh “vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật”.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết tại kỳ họp ngày 6/7 cơ quan này đã thống nhất kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số đảng viên tại Chi bộ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh.
Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới, bị xác định vi phạm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản tại Văn phòng.
Cùng vi phạm có ông Nguyễn Hữu Dực, Phó chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh; bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó trưởng phòng OCOP, phụ trách kế toán.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh giá vi phạm của ông Oánh, ông Dực và bà Bình “nghiêm trọng, đến mức phải xử lý kỷ luật”.
Ngoài ra, ông Đặng Đình Giang, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, “vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”. Một số tập thể, cá nhân cũng bị xác định có khuyết điểm, vi phạm “chưa đến mức kỷ luật, nhưng phải được kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm nghiêm túc”.
Chia sẻ với VnExpress, một lãnh đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, cho biết chưa nhận được thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, song thấy “tổn thương lớn” khi biết bị nêu tên trong kết luận. “OCOP là chương trình mới, vừa làm vừa nghiên cứu. Trong quá trình đó, nhiều nội dung chưa thể triển khai hết; và cái mới thì chưa thể tròn trịa mọi bề ngay. Do đó, ai thấu hiểu thì được, không thấu hiểu thì mọi việc sẽ khác”, vị này nói.
Chương trình OCOP được thực hiện theo Quyết định số 490 ngày 7/5/2018 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Sau gần 4 năm triển khai, Hà Tĩnh đã có 249 sản phẩm của 193 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, 14 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 235 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2021, tỉnh thu hồi chứng nhận một số sản phẩm do vi phạm quy định không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì nhãn mác không có nhận diện…