LẠNG SƠNGia đình ông Nông Quốc Mao ở xã Hữu Kiên nuôi được 5 người con học lên cao đẳng, đại học, nhờ chăn nuôi ngựa.
Dọc cung đường núi quanh co đi vào xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, không khó để bắt gặp cảnh người dân đi chăn ngựa. Trước đây, ở xã vùng 3 kinh tế đặc biệt khó khăn này, người dân quanh năm bám chặt núi rừng, nương rẫy. Họ trồng lúa, ngô, khoai, sắn và một số cây lấy gỗ, nên thu nhập chỉ vừa đủ chi tiêu eo hẹp.
“Thường ở đây, người ta không nuôi con học đại học, cao đẳng. Cứ hết THCS hoặc cấp ba sẽ phải nghỉ học để ở nhà làm nương, lấy chồng hoặc đi làm thuê”, ông Nông Quốc Mao, 55 tuổi, kể.
Nhưng với gia đình ông Mao, khi 5 con đến tuổi tới trường, ông và vợ Nguyễn Thị Lành (hiện 57 tuổi) thấy đứa nào cũng ham học, nên cố gắng “thắt lưng, buộc bụng”, tăng gia sản xuất để có tiền đầu tư cho con.
Gia đình ông Mao nuôi ngựa từ lâu, khởi đầu chỉ giới hạn 2-3 con để chở ngô, chở sắn. Đường núi mùa mưa trơn trượt, sình lầy nếu đi bộ sẽ không gánh nổi. Ngựa vì thế trở thành phương tiện vận chuyển, nuôi lấy sức kéo là chính.
Sau này, khi phát hiện ra giống ngựa bạch có giá trị kinh tế cao hơn, ông Mao mới tiến hành nhân giống. Thời gian đầu, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để làm 20 chuồng (trị giá 120 triệu đồng). Ông nuôi kết hợp nhân giống để tăng số lượng đàn ngựa. Hiện, gia đình ông sở hữu đàn ngựa luôn dao động khoảng 20 con, quy mô lớn bậc nhất xã.
Từ khi nuôi ngựa, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Nhờ vậy, 5 người con đều được theo đuổi con đường học hành. Hiện, Nông Thị Giang (sinh năm 1990) tốt nghiệp trường Cao đẳng Y Thái Nguyên, Nông Thị Thái Anh (sinh năm 1993) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Nông Thị Ngọc (sinh năm 1996) tốt nghiệp Cao đẳng Y Dược Lạng Sơn, Nông Thuý Hoàng (sinh năm 1998) học Đại học Y Thái Nguyên, Nông Thanh Tuấn học Sĩ quan dự bị ở Hà Nội.
Ông Mao cho biết nếu chỉ trồng trọt, một năm thu nhập tối đa 20-30 triệu đồng, gia đình không đủ trang trải cuộc sống. “Nhưng đàn ngựa ‘cân’ được tất, tôi không nợ ngân hàng một đồng nào. Cứ lúc nào khó khăn lại bán một con ngựa. Con thích học, bố mẹ phải tạo điều kiện đầu tư”, người đàn ông dân tộc Tày nói bằng giọng hồ hởi.
Các con của ông Mao ra trường đều có công việc ổn định, gia đình ông Mao được trao “Giấy chứng nhận Gia đình hiếu học” của Hội Khuyến học xã Hữu Kiên.
Không chỉ gia đình ông Mao, nhiều hộ dân khác ở xã Hữu Kiên có tiền đầu tư nuôi con ăn học đủ đầy nhờ nuôi ngựa. Anh Nguyễn Văn Thái, dân tộc Tày, một người dân ở xã Hữu Kiên cho hay, mỗi năm gia đình anh nuôi 6-7 con ngựa, xuất chuồng 2-3 con, thu nhập gần 100 triệu đồng. Hai con của anh Thái còn nhỏ, chi phí học tập mỗi năm chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng học phí. Con gái anh Thái, bé Song Thư nói: “Mỗi lần bố bán ngựa cháu không vui vì phải chia tay với ngựa, nhưng lại được bố mua cho nhiều sách vở, đồ dùng học tập”.
Bà Nguyễn Thị Thởi cũng không còn phải lo tiền tiết kiệm từ khi nuôi ngựa. Con trai bà vừa mất, vợ anh bỏ nhà đi làm xa, để lại đứa con gái sắp vào lớp 1 cho bà nội chăm sóc. “Tiền mỗi năm bán ngựa, tôi sẽ dành để nuôi con bé ăn học”, bà tâm sự.
Anh Trần Quân – chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết, Chi Lăng là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn- địa phương có số ngựa bạch lớn nhất nhì cả nước. Địa bàn huyện Chi Lăng có tổng đàn ngựa 2.500 con, riêng xã Hữu Kiên có 2.100 con. Đây là thủ phủ chăn nuôi ngựa có truyền thống lâu đời, riêng đàn ngựa bạch có gần 1.300 con. Ngựa trở thành nguồn thu nhập xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – văn hoá – giáo dục ở xã Hữu Kiên.
Sản phẩm ngựa bạch Hữu Kiên được bảo hộ. Các hộ gia đình nuôi trung bình 3-7 con. Giá ngựa bạch trưởng thành 50-70 triệu đồng/ con, ngựa bạch to giá lên đến 100 triệu đồng/ con.
Nhờ đó, ngoài các sản phẩm nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô, nuôi ngựa đã mang lại thu nhập cao, giúp người dân cải thiện cuộc sống, xây nhà và có tiền đầu tư cho con học lên cao.