Cựu đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết ông Shinzo Abe rất coi trọng vai trò của Việt Nam và để lại nhiều di sản quan trọng cho quan hệ Việt – Nhật.
“Di sản quan trọng nhất mà ông Shinzo Abe để lại cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản chính là mối quan hệ tin cậy, không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn giữa nhân dân hai nước”, ông Nguyễn Quốc Cường, người giữ chức đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018, nói với VnExpress về dấu ấn của cựu thủ tướng Nhật Bản đối với quan hệ song phương.
Ông Shinzo Abe chiều 8/7 qua đời sau khi bị bắn trong lúc diễn thuyết tại tỉnh Nara. Nghi phạm sử dụng súng tự chế bắn từ sau lưng ông ở khoảng cách 5 m, ám sát một trong những chính trị gia được đánh giá là quan trọng nhất lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến.
Cựu đại sứ Cường vẫn không thể tin vụ ám sát đã xảy ra, bởi Nhật Bản luôn là một đất nước rất yên bình. Ông chưa hết sốc và đau lòng về sự ra đi của cựu thủ tướng Abe, người bạn đã dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam và tâm huyết cho nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật.
“Ông Abe luôn nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế. Vì đánh giá cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, ông đã rất mong muốn thúc đẩy quan hệ thực chất giữa hai nước”, ông Cường chia sẻ.
Theo cựu đại sứ Cường, trong sự nghiệp của mình, cựu thủ tướng Abe đã nhiều lần chia sẻ với các lãnh đạo Việt Nam rằng ông đặc biệt ấn tượng với con người Việt Nam ở đức tính thủy chung, trước sau như một với bạn bè.
Cả khi ông đương chức hay không còn làm thủ tướng, Việt Nam luôn dành cho ông tình cảm “như giữa những người bạn thân” trong mỗi lần ông thăm Việt Nam hay khi lãnh đạo Việt Nam đến thăm Nhật Bản.
Trong hai nhiệm kỳ thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã đến thăm Việt Nam 4 lần. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào năm 2006, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội. Ông Abe khi đó 52 tuổi, vừa nhậm chức được hai tháng và là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến.
Tháng 1/2013, Việt Nam trở thành nơi công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe khi ông tái đắc cử vào cuối năm 2012, mở đầu giai đoạn cầm quyền liên tiếp 8 năm của ông.
Hai chuyến thăm còn lại của ông Abe diễn ra vào năm 2017, khi Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục củng cố “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” được thiết lập vào năm 2014. Ông cũng đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào cuối năm đó.
“Nếu không tính quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam có lẽ là nước mà ông Abe đến thăm nhiều nhất với cương vị thủ tướng”, cựu đại sứ Cường nhận định.
Ông Cường đánh giá cựu thủ tướng Abe đã đóng góp rất lớn cho quan hệ song phương khi thúc đẩy khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, giao lưu nhân dân, phát triển nguồn nhân lực.
Nhật Bản cũng liên tục đặt Việt Nam ở vị trí then chốt trong tầm nhìn chung của khu vực, trong đó có chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP). Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tham gia tích cực hơn vào kiến trúc kinh tế khu vực, với những thỏa thuận hợp tác đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong giai đoạn 2012-2020, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trên trường quốc tế, nhờ tác động không nhỏ từ ông Abe, người đứng đầu chính phủ và đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP).
Ông đã rất ủng hộ Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cũng chính ông Abe là người đã mời Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm hoạt động của nhóm tính đến thời điểm đó, và hội nghị thượng đỉnh G20 mở rộng năm 2020.
Không chỉ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, Nhật Bản dưới thời ông Abe đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi mặt. Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng đối với mối quan hệ hai nước. Nhật Bản hiện vẫn giữ vị trí nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam.
Tính từ năm 1992 đến năm 2021, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 1.542 tỷ yen (gần 17 tỷ USD), chiếm khoảng 30% tổng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết với Việt Nam, theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Công thương vào cuối năm ngoái.
Đến năm 2019, một năm trước khi ông Abe từ chức vì bệnh viêm đại tràng, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai xét về vốn đầu tư vào Việt Nam với 59,33 tỷ USD, chiếm 16.4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Nguồn vốn từ Nhật Bản đã đóng góp không nhỏ vào nhiều hạ tầng quan trọng và các ngành kinh tế của Việt Nam.
Trong giai đoạn ông Abe cầm quyền, chính phủ Nhật cũng đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam tăng năng lực chấp pháp trên biển, trong đó có những cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí ISEAS năm ngoái, Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược “ngoại giao cảnh sát biển” của Nhật Bản, được khởi động từ giai đoạn ông Abe nắm quyền, trong đó các bên cùng chia sẻ những giá trị chung về hòa bình và ổn định tại khu vực.
Chính phủ Nhật Bản cũng nhiều lần nêu rõ lập trường ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông. Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương, Việt Nam và Nhật Bản đã củng cố hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước bằng Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng.
Tuyên bố này nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực “xây dựng một trật tự ổn định, tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Tuyên bố đồng thời khẳng định lập trường chung của Nhật Bản và Việt Nam rằng mọi quốc gia cần hành xử trên biển theo đúng những nguyên tắc đã được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào giữa năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản còn tổ chức Đối thoại Quốc phòng Lần thứ sáu vào tháng 7. Hội nghị tái khẳng định tinh thần hợp tác theo tầm nhìn chung và nhấn mạnh “trao đổi ở mọi cấp chính là bằng chứng cho thấy tiến bộ đáng kinh ngạc” trong quan hệ quốc phòng song phương.
Cựu thủ tướng Abe cũng quan tâm tới hoạt động trao đổi cấp cao, xây đắp sự tin cậy và đẩy mạnh giao lưu hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực
Ngoài 4 chuyến thăm của ông Abe, lãnh đạo Nhật Bản ở các cấp đã đến thăm Việt Nam trong giai đoạn ông lèo lái chính phủ.
Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2015. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản có chuyến thăm lịch sử vào năm 2017. Việt Nam trong cùng năm đã đón Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản lần đầu sau 15 năm.
“Những trao đổi cấp cao đã tăng cường, góp phần củng cố quan hệ ngày càng thực chất hơn nữa giữa Việt Nam và Nhật Bản trên mọi mặt”, cựu đại sứ Cường nhận định.
ThanhDanh