Các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để cho TP HCM mà thẩm quyền còn “lửng lơ” nên rất khó thực hiện, theo TS hành chính Thái Thị Tuyết Dung.
Chiều 13/7, tại toạ đàm về triển khai Nghị quyết 54 do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Đại học Kinh tế – Luật, nói các cơ chế đặc thù cho TP HCM chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân do nhiều nội dung trong nghị quyết chưa phân cấp triệt để.
“Đã cho phép một số việc nhưng không dứt khoát, TP HCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế”, bà Dung nói.
Nghị quyết 54 do Quốc hội ban hành, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022.
Bà Dung dẫn chứng quy định cho thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công do Trung ương quản lý, nhưng thực tế thành phố không thể thực hiện mà phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản. Nếu các quy định này không thay đổi, cơ chế tự chủ của thành phố rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, theo bà Dung, TP HCM chưa được tự chủ trong tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là thành lập các đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành nguyên tắc tuân thủ thống nhất. Khi có sự khác nhau giữa Nghị quyết và Luật, nhiều trường hợp Nghị quyết 54 không được ưu tiên áp dụng.
“Muốn đặc thù thì phải khác biệt, nhưng muốn khác biệt lại không đúng luật. Đây là cái vướng mắc hiện nay”, bà nói và cho rằng nếu Nghị quyết khác luật cần ưu tiên Nghị quyết.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cũng cho rằng khi thành phố làm việc với các bộ ngành về nghị quyết mới cần làm rõ, thống nhất nội dung phân cấp trước khi ban hành. “Cái gì phân cấp được thì phân luôn, chứ không để cho ra đời rồi lại chạy đi xin từng cái, không biết mất bao nhiêu thời gian”, ông nói.
Ông Phùng cũng đề nghị dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54 cần nhìn TP HCM trong mối liên hệ giữa các bộ ngành thay vì tách ra. Trong đó, thành phố liệt kê tất cả điểm nghẽn, sau đó có kế hoạch ngắn, trung và dài hạn.
“Nghị quyết sắp tới là 5 năm và ta phải có đề án tổng thể, chứ không thể thấy áo chật rồi cứ xin một ít, xin mãi không biết bao giờ mới đủ”, ông nói và cho rằng phân cấp chính quyền đô thị cần trên ba khía cạnh chính trị, hành chính và tài khoá.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính kiến nghị trong nghị quyết mới, thành phố nên đề xuất giao một số thẩm quyền cụ thể như được quản lý và khai thác tài sản là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do Trung ương sử dụng, không nên để quá lãng phí như hiện nay.
Theo bà, TP HCM cũng cần được thực hiện cải cách tiền lương các đơn vị hành chính sự nghiệp trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; có thẩm quyền xây dựng danh mục vị trí việc làm; quyết định cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Về quản lý đô thị, bà đề xuất thành phố có thẩm quyền quy định chi tiết về quy hoạch, cấp phép xây dựng; thẩm định các dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng các công trình do UBND TP HCM quyết định đầu tư. Ngoài ra, thành phố được quy định mức xử phạt vi phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh.
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm (Đại học Quốc gia TP HCM), cho rằng để đạt được những mục tiêu thực tế trong 5 năm tới, thành phố nên tập trung ưu tiên 4 lĩnh vực là quy hoạch, hạ tầng giao thông, đô thị; cải cách cơ chế quản trị; văn hóa, giáo dục, môi trường sống; và đổi mới sáng tạo, kinh tế số.
“Cách tiếp cận cần thực dụng hơn, vướng gì thì đề xuất luôn cái đó”, ông kiến nghị và cho rằng dự thảo mới cần dựa trên ba nguyên tắc là cơ chế của thành phố phải bằng hoặc vượt trội hơn với các đô thị khác; trao quyền tương đương trách nhiệm và tập trung, không dàn trải.
Kết luận toạ đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, nói rằng việc xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố đặt ra trong bối cảnh tốc độ hoàn thiện thể chế đang chậm hơn so với yêu cầu phát triển của thành phố. Do đó thành phố cần giải phóng nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
“Đặc thù không phải đưa thành phố thành khu tự trị, mà là tốc độ phát triển đang chậm hơn yêu cầu nên cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để bứt phá”, ông Quân nói và cho biết ý kiến của các chuyên gia sẽ được xây dựng lại thành bản góp ý cho lãnh đạo TP HCM trước 26/7.
TP HCM đang lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, HĐND, chuyên gia, bộ ngành đối với dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54. Trong tháng 8, thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị để kịp thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm.
Thu Hằng