Nhìn giống tương ớt nhưng chí chương có hương vị rất riêng theo bí quyết của người Hải Phòng.
Du khách lần đầu đến thành phố hoa phượng đỏ sẽ bỡ ngỡ khi người Hải Phòng gọi tương ớt là chí chương. Bản thân nhiều người Hải Phòng cũng thắc mắc, không biết vì sao chí chương lại được phân biệt rạch ròi với tương ớt, dù những năm gần đây hai tên gọi này đang dần được dùng như một. Khi trào lưu food tour Hải Phòng lên ngôi, nhiều người đam mê ẩm thực cũng quan tâm và muốn tìm hiểu hơn về chí chương.
Một trong những nguồn gốc về chí chương là từ người gốc Hoa ở Hải Phòng. Họ sống nhiều ở khu vực chợ Đổ, hồ Tam Bạc, gọi tương ớt là chí chương do gần với phiên âm theo tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, chí chương sánh hơn, đậm và cay, cũng thơm hơn, và không chỉ thuần vị ớt như tương ớt bình thường.
Nguyên liệu làm chí chương bao gồm ớt và cà chua tươi bỏ hạt, trộn với tỏi băm nhuyễn, cho thêm chút muối rồi lên men theo công thức đặc biệt của tùy nơi sản xuất. Chí chương ngon phải cay nồng, màu đỏ tươi bắt mắt, ăn là nhận ra sự khác biệt so với tương ớt bình thường dù khó miêu tả bằng lời. Tùy vào cách pha chế, chí chương có thể hơi chua nhẹ.
Chí chương là gia vị để ăn cùng các đặc sản Hải Phòng như bún cá cay, bánh đa cua… Với các món nước như vậy, chí chương giúp làm đậm đà thêm vị của nước dùng. Thực khách khi ăn sẽ cảm nhận được vị cay của tương kết hợp với chua thanh của quất, cảm giác muốn ăn mãi không bị ngấy.
Đặc biệt, món bánh mì cay Hải Phòng không thể thiếu gia vị này. Từ “cay” trong tên món ăn cũng xuất phát từ việc ăn cùng chí chương. Thực khách nhúng đẫm bánh mì với chí chương được chan sẵn ra bát, cắn vỏ bánh mì giòn rụm, cảm nhận vị thơm cay lẫn với mặn ngậy của pate Hải Phòng vốn rất nổi tiếng. Khi bán mang về, chủ quán thường cho thực khách rất nhiều chí chương, “chấm cho thỏa”.
Hãy mạnh dạn nói “Cho xin ít chí chương” để người Hải Phòng vui khi bạn biết tên loại tương ớt đặc sản này. Đến thành phố cảng, đừng quên thưởng thức chí chương để các món ăn trở nên tròn vị hơn.