Tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh, Minh Đức vẫn giành học bổng toàn phần ngành Truyền thông bậc thạc sĩ tại Mỹ nhờ 5 yếu tố nổi bật.
Bùi Minh Đức, 28 tuổi, Hà Nội, là du học sinh bậc thạc sĩ tại Mỹ theo học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ. Từ trải nghiệm của mình, Đức chia sẻ những điều cần lưu ý với ứng viên muốn apply học bổng trái ngành.
Tích lũy đủ số năm kinh nghiệm làm việc
Khi quyết định nộp học bổng trái ngành, bạn cần kinh nghiệm làm việc để giải quyết hai vấn đề: Giúp bạn có thêm kiến thức thực tế trong ngành học muốn theo đuổi; chứng minh quyết tâm theo con đường mới này.
Học bổng Fulbright chỉ yêu cầu hai năm kinh nghiệm đi làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu học một ngành trái với bậc đại học, bạn nên có thêm thời gian trải nghiệm công việc thực tế để kiến thức vững vàng hơn.
Trước khi nộp học bổng chính phủ Mỹ Fulbright, tôi đã có kinh nghiệm bảy năm làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực truyền thông với các vị trí: Biên tập viên và chủ mục tại một trang tin có lượng độc giả lớn, chuyên viên truyền thông tại một tổ chức phi chính phủ. Tôi lựa chọn các công việc có chọn lọc nhằm làm nổi bật hồ sơ.
Ngoài ra, bạn nên nhấn mạnh vào các thành tích đạt được liên quan tới công việc và ngành học ở bậc thạc sĩ. Ví dụ, tôi được bình chọn là phóng viên xuất sắc hai năm liên tiếp, tác phẩm của tôi được đề cử bài báo xuất sắc năm trong giải thưởng LGBT Awards… Những thành tích như vậy sẽ chứng tỏ năng lực của bạn và việc học trái ngành không phải rào cản khi đã có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Chứng tỏ năng lực học thuật
Năng lực học thuật là điều kiện quan trọng ở bất cứ ngành nào. Những bậc học cao như thạc sĩ, tiến sĩ lại càng chú trọng yếu tố này.
Để bộ hồ sơ thuyết phục, tôi đưa ra dữ liệu cụ thể: Tôi là thủ khoa đầu vào và đầu ra chuyên ngành Du lịch tại trường Đại học Hà Nội (2011-2015); IELTS 8.0. Tôi cũng tham gia nghiên cứu khoa học tại trường và khi đi làm với những đề tài về truyền thông.
Tôi cho rằng ứng viên cần nghiên cứu học bổng thật kỹ để bổ sung những điểm cộng học thuật cho hồ sơ. Ví dụ, một số học bổng sẽ tính IELTS từ 8.0 trở lên được cộng 2 điểm, trong khi IELTS 7.5 trở xuống chỉ được 1 điểm. Với việc ngày càng có nhiều khóa học online miễn phí trên các nền tảng như Coursera, bạn có thể tham gia vài khóa học để nâng cao năng lực, đồng thời biết cách làm nổi bật những yếu tố quan trọng trong hồ sơ.
Kể câu chuyện của bản thân
Storytelling là một kỹ thuật quan trọng, không chỉ trong cách ứng viên viết bài luận mà toàn bộ quá trình xây dựng hồ sơ về bản thân. Với những người học trái ngành, hồ sơ sẽ có những “mắt xích yếu”. Từ một sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và du lịch, tôi phải chứng minh làm sao xứng đáng theo học ngành truyền thông tại Mỹ với học bổng toàn phần.
Việc nắm vững các yếu tố kể chuyện giúp tôi trình bày rõ ràng sự thay đổi về lựa chọn ngành học và định hướng tương lai. Làm việc nhiều với các nhóm thiểu số trong xã hội như cộng đồng LGBT, tôi nhận ra họ vẫn đang bị khắc họa với những định kiến trong truyền thông. Đó là một trong những lý do thôi thúc tôi muốn học truyền thông để tạo ra sự thay đổi ở Việt Nam.
Một vài học bổng chuộng cấu trúc kể chuyện “Story of change” (Câu chuyện thay đổi) để nhìn ra đóng góp của ứng viên với học bổng. Từ “Story of you” (Câu chuyện của bạn), ứng viên kết nối tới “Story of us” (câu chuyện của cộng đồng) để nhấn mạnh câu chuyện cá nhân của mình có ý nghĩa như thế nào với cả xã hội, từ đó kể về “Story of change” – nếu bạn đi học thì sẽ giải quyết được vấn đề gì cho cá nhân và cộng đồng?
Chuẩn bị kỹ các câu hỏi phỏng vấn
Khi bạn apply trái ngành, chắc chắn câu hỏi phỏng vấn sẽ xoay quanh sự thay đổi đó cũng như đánh giá mức độ hiểu biết với ngành mới. Trong vòng này, tôi được hỏi nhiều về kiến thức và lý do muốn học truyền thông.
Người phỏng vấn không đánh đố ứng viên mà chỉ như trò chuyện. Họ muốn hiểu về những “mắt xích yếu”, gợi mở cho chúng ta hiểu rõ hơn về lý do và con đường tương lai. Sự vững vàng trong cách trả lời, tự tin đưa ra lý do và thoải mái chấp nhận những điểm yếu hoặc sự “không hoàn hảo” của mình giúp tôi thấy cuộc trò chuyện tự nhiên hơn.
Khi học trái ngành, chắc chắn con đường bạn đi sẽ gập ghềnh nhưng cũng đáng nhớ hơn. Hãy mang tất cả vào vòng phỏng vấn vì đó là các trải nghiệm quý giá tạo nên sự thay đổi của bạn.
Chứng tỏ giá trị của bản thân trong ngành học
Tôi luôn tự hỏi tại sao họ chọn mình – người học trái ngành. Đó là lúc tôi phản tư lại những giá trị của bản thân và trả lời được câu hỏi quan trọng của tất cả học bổng: “Tại sao bạn xứng đáng được lựa chọn?”.
Kinh nghiệm từ 5 lần apply học bổng chính phủ thất bại khiến tôi nhận ra rằng mình không nên bắt đầu hồ sơ bằng việc nghĩ về đề tài hoặc cắm cúi viết luận. Bạn nên dành thời gian để tự trả lời câu hỏi “Mình có giá trị gì khác biệt so với các ứng viên khác?”, hoặc xin ý kiến mentor (cố vấn) để có cái nhìn khách quan hơn.
Khi nhận ra truyền thông thực sự cần thiết cho xã hội, số năm kinh nghiệm của tôi đã đủ và biết mình đáp ứng các đặc điểm học bổng tìm kiếm ở ứng viên, tôi trở nên sẵn sàng cho hành trình mới, dù học trái ngành.