Việc Fed tăng lãi có thể ghìm lạm phát, nhưng sẽ khiến người Mỹ nặng gánh hơn khi vay mua nhà, xe và khiến nhiều nước khác nâng lãi theo.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy nhanh cuộc chiến chống lạm phát. Hôm 15/6, cơ quan này thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) – mạnh nhất kể từ năm 1994. Hồi tháng 5, họ cũng đã nâng lãi thêm 0,5% – cao nhất trong 22 năm.
Việc liên tục nâng lãi cho thấy Fed tự tin vào thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại chi phí sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp bị đẩy lên cao.
Lạm phát tháng 5 lập đỉnh 40 năm có thể buộc Fed nâng lãi thêm vài lần nữa trong những tháng tới. Thậm chí, quan chức Fed có thể phải tăng lãi mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát.
Người Mỹ sẽ cảm nhận rõ tác động của sự thay đổi này. Họ sẽ không còn được vay lãi suất cực thấp khi mua nhà hay mua xe nữa. Nhưng tiền tiết kiệm trong các tài khoản ngân hàng cũng sẽ sinh lời thêm.
Fed có thể tăng tốc hoặc giảm tốc nền kinh tế bằng cách điều chỉnh lãi suất. Khi đại dịch xuất hiện, Fed gần như hạ lãi suất về 0% để khuyến khích người dân chi tiêu và doanh nghiệp đầu tư. Để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, Fed đã tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường. Khi các thị trường tín dụng đóng băng hồi tháng 3/2020, Fed còn đưa ra các công cụ tín dụng khẩn cấp.
Các chính sách giải cứu của Fed đã phát huy tác dụng. Không có cuộc khủng hoảng tài chính nào diễn ra vì Covid-19. Vaccine và các khoản chi khổng lồ của Quốc hội Mỹ đã mở đường cho đà phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc các chính sách được tung ra khẩn cấp, nhưng mãi chưa được gỡ bỏ, đã khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng như hiện tại.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện gần đáy 50 năm. Nhưng lạm phát lại rất cao. Kinh tế Mỹ vì thế không còn cần nhiều hỗ trợ từ Fed nữa. Rủi ro chỉ là nếu Fed quá mạnh tay, nền kinh tế sẽ bị giảm tốc đến mức rơi vào suy thoái và lại kéo thất nghiệp lên cao.
Lãi suất đi vay tại Mỹ sẽ tăng lên
Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức lãi mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày.
Mỗi lần Fed nâng lãi suất, việc đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa mọi khoản vay, từ mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, vay nộp học phí sẽ tốn kém hơn. Chi phí đi vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cao lên.
Tác động dễ thấy nhất là trên thị trường vay mua nhà. Lãi suất cao đã khiến hoạt động mua bán nhà chậm lại thời gian qua. Lãi vay mua nhà cố định, kỳ hạn 30 năm tại Mỹ đã lên 5,23% trong tuần đầu tháng 6. Con số này tăng đáng kể so với chỉ 3% cùng kỳ năm ngoái.
Lãi suất tăng lên sẽ khiến việc mua nhà khó khăn hơn. Giá nhà tại Mỹ đã tăng chóng mặt trong đại dịch. Nhu cầu yếu đi có thể hạ nhiệt thị trường bất động sản nước này. Giá nhà trung bình tại Mỹ hồi tháng 4 tăng 15% so với năm ngoái, lên 391.200 USD, theo Hiệp hội Bất động sản Mỹ.
Lãi suất có thể tăng đến mức nào?
Nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed nâng mục tiêu lãi suất lên ít nhất 3,75% cuối năm nay. Fed từng tăng lãi suất lên 2,37% trong đợt nâng lãi gần nhất vào cuối năm 2018. Trước khủng hoảng tài chính 2007 – 2009, con số này còn lên tới 5%.
Hồi thập niên 80, Chủ tịch Fed thời đó – Paul Volcker đã nâng lãi suất lên mức chưa từng có tiền lệ để kiềm chế lạm phát. Đến tháng 7/1981, lãi suất tham chiếu của Fed đã chạm 22%.
Tuy nhiên, tác động lên lãi suất cho vay những tháng tới còn phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng lãi của Fed. Mà việc này vẫn còn chưa được quyết định.
Tin vui với người gửi tiết kiệm
Việc Fed duy trì lãi suất gần 0% suốt 2 năm khiến người gửi tiết kiệm gần như không kiếm được gì. Nếu trừ đi lạm phát, họ thậm chí còn lỗ.
Tin tốt là lãi suất tiết kiệm sẽ tăng khi Fed nâng lãi tham chiếu. Nhưng việc này cần thời gian. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là với các ngân hàng lớn, tác động sẽ khó mà thấy qua một đêm. Bên cạnh đó, dù đã qua vài đợt nâng lãi, lãi suất tiết kiệm cũng vẫn rất thấp, thấp hơn lạm phát và lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
Các thị trường sẽ phải điều chỉnh theo
Lãi suất thấp kìm hãm nhu cầu trái phiếu chính phủ và đẩy nhà đầu tư đến các tài sản rủi ro, như cổ phiếu. Dù vậy, lãi suất cao cũng là thách thức với thị trường chứng khoán, vốn đã quá quen thuộc – nếu không muốn nói là nghiện – tiền rẻ.
Chứng khoán Mỹ đã rơi vào thị trường giá xuống hôm thứ Hai, do lo ngại việc Fed nâng lãi suất mạnh tay sẽ kéo kinh tế Mỹ vào suy thoái. Tuy nhiên, phần lớn tác động này sẽ phụ thuộc vào việc Fed nâng lãi nhanh đến mức nào, và các yếu tố kinh tế nền tảng, lợi nhuận doanh nghiệp biến động ra sao sau đó.
Tối thiểu thì việc nâng lãi cũng đồng nghĩa thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với trái phiếu chính phủ.
Lạm phát tại Mỹ liệu có hạ nhiệt?
Mục tiêu của Fed khi nâng lãi là kiểm soát lạm phát mà không gây tác động đến sự phục hồi của thị trường viêc làm. Lạm phát tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/1981, theo Bộ Lao động Mỹ. Lạm phát nước này hiện cách xa mục tiêu 2% của Fed và vài tháng gần đây càng tệ hơn.
Các nhà kinh tế học cảnh báo lạm phát có thể còn cao hơn nữa khi giá xăng tại Mỹ gần đây liên tiếp lập đỉnh. Giá xăng ở nước này đã tăng tốc sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Mọi hàng hóa tại Mỹ, từ thực phẩm, năng lượng đến kim loại đều trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí sinh hoạt cao đang khiến hàng triệu người Mỹ đau đầu. Niềm tin tiêu dùng hiện thấp kỷ lục. Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng rất thấp.
Các chính sách của Fed cần thời gian để phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xung đột tại Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cả Covid-19.
Tác động lên toàn cầu
Việc Fed nâng lãi suất có thể sẽ gây tác động lan truyền đến kinh tế thế giới, như việc lạm phát Mỹ khiến các thị trường chứng khoán bị bán tháo đầu tuần này. “Xét về mặt nào đó, Fed cũng được coi là ngân hàng trung ương toàn cầu, và có thể gây ra suy thoái toàn cầu”, Kristina Hooper – chiến lược gia thị trường tại Invesco nhận định trên CNBC.
Hooper kỳ vọng Mỹ sẽ tránh được suy thoái và Fed sẽ thành công trong việc giúp nước này “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận kinh tế Mỹ đang chậm lại đáng kể và viêc “hạ cánh mềm” ngày càng khó.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Kenneth Rogoff hồi tháng 4 cũng chỉ ra rằng suy thoái tại Mỹ, đặc biệt nếu gây ra bởi tăng lãi suất, sẽ kìm hãm nhu cầu nhập khẩu trên thế giới và giáng đòn mạnh lên các thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng có thể nâng lãi theo Fed. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác nhận sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong phiên họp tháng 7 và tháng 9. “Rõ ràng là việc đồng đôla mạnh lên và euro yếu đi sẽ khiến các quan chức ECB lo ngại”, Carsten Brzeski – Giám đốc Vĩ mô tại ngân hàng ING cho biết trên CNBC.
“So với các nước phụ thuộc nhiều vào thương mại, như Thụy Sĩ, Nhật Bản, khu vực eurozone và nhiều nền kinh tế mới nổi, kinh tế Mỹ ít nhạy cảm hơn trong điều kiện tài chính thắt chặt”, Geoffrey Yu – chiến lược gia thị trường tại BNY Mellon nhận định, “Hàng hóa toàn cầu được định giá bằng USD. Vì thế, quan điểm của các nước trên là trong tình hình hiện tại, USD mạnh là điều không tốt”.
Yu cho rằng việc Fed nâng lãi có thể giúp các ngân hàng trung ương tại châu Âu, Thụy Sĩ, Nhật Bản có thêm dư địa thắt chặt chính sách để hỗ trợ nội tệ.
Tháng trước, sau khi Fed nâng lãi suất, Hong Kong và các nước Vùng Vịnh – vốn neo nội tệ vào đôla Mỹ – cũng có động thái tương tự. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong (HKMA) hôm 4/5 nâng lãi suất cơ bản từ 0,75% lên 1,25%. Trong khi đó, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain nâng thêm 0,5%.
Tuy nhiên, hồi tháng 4, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo Fed và các ngân hàng trung ương khác “suy nghĩ kỹ về rủi ro lan truyền với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ tổn thương”.
Nguyên nhân là việc này có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu, khiến dòng vốn rời các nước nghèo để chảy sang Mỹ. Việc này sẽ kéo giá đôla Mỹ lên và đẩy giá các đồng tiền khác xuống. Để bảo vệ nội tệ, các nước này có thể cũng sẽ nâng lãi suất theo, gây ra hệ quả như kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và doanh nghiệp ngại đi vay. Các chính phủ mắc nợ cũng sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc như chống dịch hay xóa đói giảm nghèo.