Người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả không được bổ sung vào nhóm được xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Chiều 15/6, hơn 85% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua luật Thi đua khen thưởng sửa đổi. Theo đó, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên. Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng này do Chính phủ quy định.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đa số đại biểu phát biểu tại hội trường đồng ý bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật là cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “công bằng” trong khen thưởng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ.
Do đó, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra là chỉ quy định trong luật những vấn đề “đã chín, đã kỹ, đã rõ”. Điều 66 cũng được thiết kế gồm hai điểm, trong đó điểm a kế thừa luật hiện hành và điểm b quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ quy định.
“Trên cơ sở tiêu chuẩn khung chung, Chính phủ sẽ quy định tiêu chuẩn chi tiết phù hợp với các đối tượng cụ thể”, ông Cường nói.
Lý giải việc liên tục đề xuất bổ sung nhóm được xét danh hiệu trong các phiên góp ý, bà Trần Thị Thu Đông (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) nói văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay có 9 chuyên ngành, nhưng luật hiện hành chỉ đề cập đến 6, còn lại ba chuyên ngành gồm nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả của lĩnh vực sân khấu chưa được quy định. Điều này là không hợp lý.
Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi cũng không luật hóa hình thức “thư khen”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng thư khen đa dạng, gắn với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, có tác dụng kịp thời biểu dương gương tốt, việc tốt, khuyến khích cá nhân, tập thể thi đua. Nếu luật hóa sẽ không tạo sự chủ động, linh hoạt.
Mặt khác, phải xác định chủ thể có thẩm quyền quyết định tặng; vị trí của thư khen trong các hình thức khen thưởng; quy trình, thủ tục xét tặng; các tiêu chuẩn xét tặng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Do đó, Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên luật hóa hình thức này.
Luật quy định Nhà nước tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ hai năm trở lên. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.