Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng trong bối cảnh hiện nay chưa nên cho phép người tham nhũng nộp tiền để giảm án hình sự, song một số chuyên gia lại có quan điểm khác.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa đề xuất tăng biện pháp phòng ngừa, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự với mục tiêu tăng tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh Trịnh Xuân An nói, hiểu đơn giản đề xuất trên là cho phép người phạm tội tham nhũng được nộp tiền để giảm hình phạt tù và nhà nước thu hồi được tài sản. Đây là xu hướng lập pháp của một số nước tiên tiến, nhưng chưa phù hợp để áp dụng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi tham nhũng đang diễn biến phức tạp, và việc phòng, chống đang được thực hiện quyết liệt từ trung ương đến địa phương, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư là “không ngừng, không nghỉ”.
“Hệ lụy của tham nhũng, tiêu cực là quá lớn để có thể bù đắp bằng vật chất, và mục đích của việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài thu hồi tài sản, còn bảo vệ lợi ích công, củng cố lòng tin của người dân”, ông An nói.
Ông nhấn mạnh, Việt Nam xác định tham nhũng như giặc nội xâm, vô cùng nguy hiểm. Do đó, muốn áp dụng cơ chế kinh tế, cho phép dùng tài sản để chuộc lại lỗi lầm “cần thời gian để nghiên cứu”; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế nhưng cũng không dân sự hóa các hành vi phạm tội và “bất cứ ai cũng phải đi trên đường ray pháp luật”.
Khác với ông Trịnh Xuân An, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam “đồng tình một phần” với đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao. Ông Nam cho rằng cần xây dựng cơ chế để cán bộ tự giác nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị phát giác, tăng tỷ lệ thu hồi tài sản cho nhà nước.
“Người nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện hoặc trước khi bị khởi tố, điều tra có thể xem xét giữ kín danh tính, không bị xử lý kỷ luật hoặc điều tra, truy tố”, ông Nam nêu quan điểm.
Với trường hợp cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sau khi đã bị phát hiện hoặc đang trong quá trình tố tụng thì nên coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật hoặc mức án. Ai khắc phục được toàn bộ vi phạm có thể được xem xét áp dụng mức khoan hồng đặc biệt, nhưng “không phải là biện pháp tha bổng”. Cán bộ đã bị khởi tố mới nộp lại tài sản tham nhũng thì không phải do tự giác, không phải do “lương tri thức tỉnh”.
Mục đích quan trọng của chống tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản thất thoát mà cao hơn là bảo vệ quyền sở hữu của nhà nước và sự liêm chính của bộ máy công quyền. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng “các cơ quan đang đi sau người vi phạm”, chỉ kê biên tài sản khi đối tượng bị áp dụng biện pháp về tố tụng nên tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, ngụy trang từ trước.
Nếu tài sản ở trong nước, cơ quan chức năng có thể thu hồi, nhưng trường hợp người vi phạm có nhà đất, xe ở nước ngoài thì khó xử lý. Do đó, nhà chức trách cần thay đổi chính sách tịch thu, kê biên tài sản, đồng thời yêu cầu cán bộ kê khai tài sản trung thực và theo dõi biến động của tài sản đó.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao cũng cho rằng đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao là hợp lý, nhiều nước đã thực hiện. Tuy nhiên, ngoài việc khuyến khích cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng cần có quy định chặt chẽ, không để cán bộ lợi dụng chủ trương này nhằm thoái thác trách nhiệm, khiến việc xử lý tham nhũng không triệt để.
Trung tướng Độ đề xuất bốn mức xử lý với cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng. Nếu chủ động nộp lại trước khi bị phát giác thì không bị xử lý hình sự; nộp lại khi đã bị phát hiện hoặc trong quá trình điều tra thì có thể coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, có thể hưởng án treo.
Trong quá trình xét xử, nếu cán bộ vi phạm nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được giảm nhẹ hình phạt, tùy theo việc khắc phục hậu quả một phần hay toàn bộ. Cuối cùng, khi đã có bản án của tòa, cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sẽ có thể được giảm án.
Thăm dò trên VnExpress ba ngày qua, hơn 3.300 người trả lời câu hỏi “nên xử lý thế nào với tội phạm tham nhũng, kinh tế?”. Kết quả, 69% độc giả ủng hộ xử lý hình sự, buộc bồi hoàn tiền; 26% muốn phạt gấp nhiều lần tiền tham nhũng, nếu không sẽ phạt tù.
Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống chung thân.
Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự quy định, từ 15/2/2021, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.