Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Sau khi nhận toàn bộ cổ phần từ Qantas tặng lại, Vietnam Airlines đang sở hữu khoảng 98% cổ phần của hãng hàng không này.
Tuy nhiên, hiện tại tình hình tài chính của Pacific Airlines, theo đánh giá của Vietnam Airlines, là “rất nghiêm trọng”.
“Dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa khả năng mất thanh toán và phải chấm dứt hoạt động”, Vietnam Airlines thông tin về hiện trạng của Pacific Airlines tháng 6/2022. Để duy trì hoạt động, hãng bay này dự kiến khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết kiệm chi phí…
Dù vậy, không phải đến nay bức tranh tài chính của hãng bay giá rẻ này mới bộc lộ khó khăn.
Trong một thập kỷ qua, Pacific Airlines chỉ báo lãi trong 4 năm, gồm 2014-2015 và 2018-2019, lợi nhuận cao nhất chỉ hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm báo lỗ, con số lên tới vài trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, mức lỗ của hãng bay này còn tăng đột biến.
Theo nguồn tin của VnExpress, sau khi báo lỗ kỷ lục năm 2016, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines dần khởi sắc. Doanh thu của hãng bay này từ mức gần 5.000 tỷ đồng năm 2016 tăng lên gần 6.900 tỷ trong năm 2017 và đạt đỉnh trong giai đoạn 2018-2019 với quy mô 8.000-9.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đảo chiều sự phục hồi. “Nếu không có Covid-19, hãng đã lãi to. Nhưng vì dịch bệnh, Jetstar (tên cũ của Pacific Airlines) lại lỗ ngược trở lại”, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch Jetstar Pacific Trịnh Hồng Quang chia sẻ giữa năm 2020.
Trong tháng đầu tiên của năm đó, Pacific Airlines lãi kỷ lục 150 tỷ đồng, giúp kết quả kinh doanh trong quý đầu năm tích cực. Dù vậy, ba quý còn lại trở thành quãng thời gian khó khăn nhất của hãng bay này từ khi thành lập.
Năm đầu chịu ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu thuần của Pacific Airlines giảm mạnh chỉ còn gần 2.600 tỷ, so với mức hơn 8.400 tỷ đồng của năm 2019. Kết quả là hãng bay này báo lỗ ròng hơn 2.100 tỷ đồng – mức lỗ cao nhất từ khi thành lập. Nhưng con số này vẫn chưa phải kỷ lục khi năm 2021, Pacific Airlines lỗ hơn 2.300 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết, trước tình hình khó khăn, hãng đã có những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp nhằm giãn, hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá, song do phải ngừng khai thác quốc tế, thị trường nội địa đóng băng, Pacific Airlines vẫn lỗ nặng.
Tính tới cuối năm 2020, Pacific Airlines có quy mô tổng tài sản hơn 6.600 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 2.275 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lỗ năm 2021, vốn chủ sở hữu của hãng bay này có thể âm hơn 4.500 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính kém tích cực có thể trở thành rào cản trong việc tìm đối tác tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Vietnam Airlines cho biết, quy trình lựa chọn nhà đầu tư hiện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành với doanh nghiệp nhà nước. Nếu việc tìm kiếm quá chậm hoặc không đạt được thoả thuận với nhà đầu tư, Vietnam Airlines sẽ gặp rủi ro.
Trước mắt, để gỡ vướng cho việc tái cơ cấu, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines dự kiến trình cổ đông thông qua việc sửa đổi điều lệ tại phiên họp thường niên sắp tới. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bổ sung một điều khoản về chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines. Hãng hàng không Quốc gia cũng đang tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý.
Pacific Airlines được thành lập hơn 30 năm trước sau khi luật sửa đổi cho phép nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hàng không trong nước. Hãng bay này từng được xem là một con bài tốt để Vietnam Airlines gia tăng cạnh tranh trên thị trường hàng không, thông qua việc giành thị phần ở phân khúc giá rẻ, nhằm tăng lợi nhuận cho mạng lưới của hãng hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Pacific Airlines gặp không ít trắc trở. Dù đã qua nhiều lần “kết hôn” với nhà đầu tư, thay đổi thương hiệu nhưng hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam này mãi vẫn không bứt phá được.
Minh Sơn – Anh Tú